Tại sao các câu lạc bộ thành lập Super League?

1940 lượt xem

12 câu lạc bộ bóng đá hàng đầu châu Âu đã thông báo họ “đồng ý thành lập” Super League, giải đấu quy tụ các đội bóng hàng đầu. Vậy tại sao họ lại từ chối giải đấu danh giá như Champions League và lập giải riêng? Hãy để 8 bóng đá TV giải thích cho bạn bằng bài viết dưới đây.

Super League sẽ là cuộc cách mạng bóng đá hiện đại

Những đội bóng nào tham gia Super League?

Nhóm CLB sáng lập giải hiện có 12 thành viên, bao gồm: Manchester City, Manchester United, Liverpool, Chelsea, Arsenal, Tottenham (Anh); Barcelona, ​​Real Madrid, Atletico Madrid (Tây Ban Nha); Juventus, Inter Milan, AC Milan (Italy).

Trong tuyên bố của mình, nhóm này cho biết “dự kiến sẽ có thêm 3 CLB nữa tham gia vào mùa giải đầu tiên”. Ba CLB này rất có thể là Bayern Munich, Dortmund và PSG. Dù từng chống lại kế hoạch thành lập Super League nhưng giờ đây 3 CLB này có động lực lớn để tham gia giải nếu nó trở thành hiện thực.

15 CLB sẽ tham gia với tư cách thành viên sáng lập. 5 CLB còn lại sẽ được lựa chọn dựa trên thành tích hàng năm để tạo thành một giải đấu 20 đội mỗi mùa. 15 đội sáng lập sẽ được miễn nhiễm với việc xuống hạng. Những đội còn lại sẽ xuống hạng và thăng hạng dựa trên thành tích thi đấu.

Tại sao các câu lạc bộ thành lập Super League?

  • Champions League không còn hấp dẫn nữa

Champions League mới sẽ hủy bỏ thể thức 32 đội tranh tài trong 8 bảng đấu và được thay thế bằng “mô hình Thụy Sĩ” với 36 đội tham gia, mỗi đội chơi 10 trận: 5 sân nhà và 5 sân khách. Các trận đấu được xếp dựa trên nhóm hạt giống và các đội được gộp vào chung một bảng thứ bậc 36 đội. Tám đội dẫn đầu tiến thẳng vào vòng 16 đội, 16 đội xếp tiếp theo bước vào vòng play-off để chọn ra 8 suất đi tiếp còn lại.

Champions League theo thể thức mới có 36 đội, còn Super League có 20 đội. Tổng số trận của Super League là 193, so với 225 của Champions League mới. Số trận vòng bảng tương đương là 180, nhưng số trận từ vòng knockout trở đi cho đến trận chung kết là 13 với Super League và 45 với Champions League mới.

Lẽ ra, cuộc họp của Ủy ban điều hành UEFA để thông qua thể thức mới của Champions League đã được tổ chức vào cuối tháng Ba vừa qua. Tuy nhiên, cuộc đàm phán bị hoãn sau khi Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA) – cơ quan đại diện cho những CLB lớn nhất châu Âu – không tìm được tiếng nói chung.

  • 12 CLB thành lập Super League muốn kiếm nhiều tiền hơn

P Morgan, một ngân hàng đầu tư của Mỹ, được cho là đã đồng ý tài trợ cho giải và cấp các khoản “béo bở” cho các thành viên sáng lập. Theo tuyên bố từ Super League, các CLB sáng lập giải sẽ chia nhau 3,5 tỷ euro (4,2 tỷ USD). Tính ra, mỗi đội sẽ nhận 400 triệu euro, gấp 4 lần số tiền thưởng cho nhà vô địch UEFA Champions League 2020. Số tiền này sẽ giúp “đầu tư cơ sở hạ tầng của các CLB và bù đắp tác động của đại dịch COVID-19”.

Super League cũng cho phép các CLB chia sẻ doanh thu độc quyền với nhau, thay vì với tất cả các thành viên UEFA. Hiện tại, UEFA phân phối tiền họ kiếm được từ bản quyền truyền hình các giải đấu cho toàn bộ các CLB tham gia trên khắp lục địa. Khoản tiền này nhằm duy trì môn thể thao ở cấp cơ sở và chuyên nghiệp ở hàng chục quốc gia.

Song, các CLB Super League muốn giữ nhiều hơn hoặc toàn bộ số tiền đó cho riêng mình. Trong nhiều thập kỷ, tại các vòng đàm phán về việc chia sẻ doanh thu Champions League, UEFA đều chia cho các CLB lớn số tiền lớn hơn để xoa dịu họ. Tuy nhiên, các CLB này tin rằng sự tham gia của họ là lý do chính thu hút hàng triệu người xem Champions League và họ cũng sẽ thu hút lượng CĐV đó trong một giải đấu ly khai, nơi họ có thể kiếm được hợp đồng truyền hình béo bở cho riêng mình, không phải chia sẻ số tiền đó với bất kỳ ai khác.

Những người chỉ trích cho rằng lòng tham của các CLB tham gia Super League sẽ hủy hoại bóng đá châu Âu ở hầu hết mọi cấp độ và sẽ gây hại cho môn thể thao này.

Leo

8 bóng đá TV

Bình luận

Tin mới hơn