Chuyển tới một đội bóng ở J-League chắc chắn là bước tiến trong sự nghiệp của thủ thành Đặng Văn Lâm – điều anh đã nhắm đến trong hành trình vươn tới đỉnh cao.
Cách đây gần hai năm, sau khi cùng đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup và vào tứ kết Asian Cup, Văn Lâm đã chia sẻ trên một tờ báo Nga về tham vọng của bản thân. Văn Lâm, khi ấy vừa đạt thỏa thuận khoác áo Muangthong United ở Thai League, tự tin khẳng định mục tiêu của anh là chơi bóng tại châu Âu. Mới mùa trước đó, anh còn chơi tại V-League, cho CLB Hải Phòng.
Giờ đây, khi được ký hợp đồng với CLB Cerezo Osaka, thủ môn 27 tuổi cho thấy anh không nói suông. Văn Lâm đang đi những bước vững chắc để thực hiện mục tiêu là chơi ở những nền bóng đá đỉnh cao của thế giới. Chỉ có điều anh phải đi đường vòng.
Được đào tạo cơ bản ở châu Âu, nhưng Văn Lâm phải lùi về khởi nghiệp ở Đông Nam Á.
Từ Việt Nam, anh qua Thái Lan rồi sắp tới Nhật Bản, để nuôi hy vọng trở lại châu lục anh từng sinh ra và lớn lên, nơi cho anh những kỹ năng bắt bóng đầu tiên.
Cũng trong bài phỏng vấn đầu năm 2019, Văn Lâm nhớ lại ký ức bị thải loại khỏi CLB Spartak Moscow, và lời khuyên từ bỏ sự nghiệp cầu thủ của một ông thầy. Những cú sốc như thế dễ khiến người ta từ bỏ, và việc những cầu thủ trẻ không thể lên chơi bóng chuyên nghiệp là điều quá đỗi bình thường. Họ chọn một nghề nghiệp khác để kiếm sống
Văn Lâm không chọn cách đó. Anh chấp nhận trở về Việt Nam làm lại từ đầu, tìm cơ hội thi đấu chuyên nghiệp, dù ở một nền bóng đá trình độ thấp hơn. Hành trình của Văn Lâm tại quê cha cũng chẳng hề suôn sẻ. Trong biên chế HAGL giai đoạn 2011-2014, anh không được bắt chính mà phải phiêu dạt sang Lào, tập luyện trên sân bóng như sân ruộng, với những chú bò ở xung quanh. Về sau, được khoác áo CLB Hải Phòng tại V-League tưởng như là thành công rất lớn với Văn Lâm, chứ chưa nói đến ra nước ngoài thi đấu.
Nói về hành trình của Lâm tại Muangthong, không dễ khẳng định thành công hay thất bại.
Anh ra sân 38 trận nhưng nhận 58 bàn thua, và chỉ sáu trận sạch lưới. Thành tích của tập thể đội bóng trong giai đoạn Văn Lâm thi đấu không tốt. Nhưng cá nhân thủ thành Việt kiều vẫn được đánh giá cao bởi có không ít pha cứu thua xuất thần và hiếm khi mắc sai lầm lớn. Anh thậm chí hai lần cản phạt đền thành công trong một trận đấu Cup của Muangthong. Rõ ràng, nếu Văn Lâm không thể hiện khả năng của mình, Cerezo Osaka đã không đưa anh về.
J-League chắc chắn sẽ là một bước tiến trong sự nghiệp của Văn Lâm, nhờ bàn đạp chính là Thai League. Nếu chỉ chơi bóng ở V-League, rất khó để thủ thành 27 tuổi vươn tới những giải đấu đẳng cấp châu lục, nếu không phải là hợp đồng thương mại. Vài năm qua, Thai League đã là bệ phóng hoàn hảo cho nhiều cầu thủ tới chơi tại Nhật Bản, như Chanathip, Dangda, Therathon hay Kawin…
Từ một thủ môn phải tập luyện với những chú bò tại Lào, từ chỗ lên mạng xã hội viết thư cho HLV Toshiya Miura xin được thi đấu, Văn Lâm lúc này ở rất gần với mục tiêu của anh là lục địa già. Cerezo Osaka từng là bệ phóng cho những tên tuổi như Shinji Kagawa, Takashi Inui hay Takumi Minamino ra châu Âu chơi bóng.
Nhưng để làm được điều đó, Văn Lâm ít nhất phải được ra sân tại J-League. Trước mắt anh là ngọn núi rất lớn mang tên Kim Ji-hyeon – thủ thành số một của Cerezo. Kim, năm nay 33 tuổi, đã bắt tới 466 trận cho đội bóng trên mọi đấu trường, từ khi Cerezo còn phải đá ở giải hạng Nhì. Mùa trước anh chơi không thiếu trận nào, và giữ sạch lưới 12 lần. Transfermarkt định giá Kim hơn 1 triệu USD, trong khi Văn Lâm gần 250 nghìn USD. Rõ ràng Kim Ji-hyeon đang có một vị thế quá tốt so với người chân ướt chân ráo đến với một nền bóng đá đẳng cấp cao.
Nhưng cơ hội với Văn Lâm không phải không có. Anh được cơ cấu trở thành thủ môn số hai tại CLB, tức vẫn có thể ra sân ở những đấu trường Cup, vẫn có cơ hội thể hiện khả năng trước người hâm mộ và tuyển trạch viên. Nếu thủ môn Kim gặp vấn đề, cơ hội sẽ đến với thủ môn Việt kiều, dĩ nhiên đi kèm thách thức.
Nhưng quá khứ chứng minh Văn Lâm đã quá quen với thử thách. Anh thừa nỗ lực và kiên trì để vượt qua khó khăn.